Jane Eyre: Đâu là bản chuyển thể hoàn hảo nhất?

Sau khi đã quá ưu ái Mr Rochester đẹp-trai-sai-nguyên-tác của Michael Fassbender ở post cảm nhận sách, tôi đành phải lấy lại công bằng một chút cho các Mr Rochester khác hoàn hảo hơn (trên tiêu chí khớp nguyên tác), đặc biệt là nhân vật do Timothy Dalton thủ vai – bằng cách để hình cặp đôi của phiên bản 1983 làm feature, dù dĩ nhiên chất lượng ảnh từ cách đây mấy chục năm khó lòng mà so với một phiên bản mới toanh của năm 2011.

Một lần nữa nhắc lại, tôi không định review phim, càng sẽ chẳng spoil gì mấy về nội dung. Đây chỉ là một chút cảm nhận sau khi xem phim chuyển thể Jane Eyre các phiên bản: mini-series 1983, mini-series 2006, movie 2011; ngoài ra có tham khảo thêm movie 1997.

Tôi xem bản movie 2011 trước khi đọc sách, đó là một điều rất may mắn đối với phiên bản này khi tôi đã nhìn nhận nó dựa trên một bộ phim độc lập mà không phải là phim chuyển thể. Nói sơ qua, phim khá ổn. Ví dụ có thang điểm 10, tôi xin chấm phim 7 điểm. Hình ảnh đồng quê nước Anh thời Victoria tái hiện qua bộ phim đẹp tuyệt vời, lâu đài Thornfield đồ sộ nhưng tối tăm lạnh lẽo. Thời trang thì 10 điểm. Vốn tôi cực kỳ thích thời trang châu Âu thời xưa, đặc biệt là nam giới, phiên bản này lại rất ư thẩm mỹ và chỉnh chu, không chỗ nào để chê.

Jane Eyre

Nhưng tôi bắt đầu cảm thấy khó chịu một xíu với việc dựng phim của đạo diễn. Tôi không biết “timeline phi tuyến tính” có phải là một trào lưu không, nhưng cứ hễ một phiên bản mới muốn tạo ra sự khác biệt, thì lại tìm cách đảo ngược thời gian lung tung. Để chi? Bộ này bắt đầu bằng cảnh Jane Eyre lang thang rồi được nhà Rivers giúp đỡ, sau đó mới để Jane hồi tưởng lại từ thời thơ ấu đến lúc bỏ đi khỏi Thornfield. Tôi không đánh giá cao cách kể này vì thứ nhất, nó không làm tăng giá trị nghệ thuật; thứ 2, làm mạch phim lủng củng; thứ 3, tôi cho là đạo diễn “đu trend” – nên tôi ghét.

Kịch bản là một phần cực kỳ quan trọng trong một bộ phim, và again, vì tôi coi phim trước khi đọc sách, tôi cho là kịch bản “cũng tạm được”. Tôi cũng hiểu là thời lượng 2h quá ít để đưa hết diễn biến câu chuyện lên phim, nên chuyện tình giữa 2 nhân vật chính bị gượng. Thế nhưng, tôi xin đổ lỗi này cho phần diễn xuất hơn là cho kịch bản. Mia Wasikowska vào vai Jane có phần hơi cam chịu, thiếu linh hoạt trong khi Jane là một người cá tính, đến ông chủ còn chả sợ. Những cảnh tương tác với các nhân vật phụ tôi còn tưởng không ai ưa Jane, vì trông cô cứ buồn buồn làm sao. Rồi Michael Fassbender xuất hiện, Mr Rochester đẹp trai thế này ai mà không đổ. Đùa thôi, sau này tôi mới biết cast Mike là sai quá sai. Mike và Mia hầu như không có chemistry, mới cảnh đầu Mike khó chịu với cô gia sư thấp kém, sau đó ông dành hết thời gian tán tỉnh cô Blanche Ingram, xong tự nhiên quay 360* cầu hôn với Jane??? Mạch phim cắt xén, gấp rút đã đành, chủ yếu là do 2 diễn viên không có chemistry nên coi không đã. Nói chung, tôi đã giảm tội cho bản này rất nhiều cũng vì tôi muốn ghi lại cảm nghĩ ban đầu của mình dành cho phim; vì dĩ nhiên sau khi đọc sách, tôi có xem lại, đối chiếu lại thì thất vọng cũng khá nhiều. Và hậu quả của việc xem phim này là tôi chả ấn tượng gì mấy với cái gọi là danh tác kinh điển Jane Eyre.

Image

Khung cảnh nên thơ, diễn viên đẹp là điểm cộng của phiên bản 2011

Mini-series 1983 là phiên bản yêu thích nhất của tôi, tuy đã quá cũ nên tôi chỉ xem trên Youtube với chất lượng thấp và không có Vietsub. Mr Rochester của Timothy Dalton cân mọi thế hệ đàn em. Tôi bị cuồng nhân vật này đến mất ăn mất ngủ là do ông.

Timothy Dalton as Mr. Edward Rochester #readers #books #Janeeyre

Mr Rochester by Timothy Dalton

Tính ra thì Tim vẫn quá đẹp trai so với những gì Charlotte Bronte mô tả, thậm chí còn đẹp hơn Mike, nhưng thật lòng mà nói, chẳng ai trông đợi thấy một Mr Rochester xấu và già đến thảm thương như trong bản movie 1997. Quan trọng là ông đóng quá hay, quá xuất thần. Mr Rochester của Tim thật đúng là những gì độc giả tưởng tượng qua trang sách: ngoại hình rắn chắc mạnh mẽ, vẻ mặt góc cạnh nam tính, có chút gì đó tàn nhẫn, giễu đời, tính tình thì kiêu căng, trịch thượng, ít biểu lộ cảm xúc. Và đôi mắt của ông, lúc tối tăm, nghi hoặc; lúc ân cần dịu dàng; lúc sáng rỡ, ngập tràn hạnh phúc khi ở cạnh Jane. Đặc biệt là giọng nói, có lẽ vì tôi coi không sub nên tập trung 100% vào giọng điệu của diễn viên. Giọng Tim cực kỳ sexy, trầm, vang, nam tính. Tôi coi ông đóng mà lòng cứ thúc giục Jane: “Jane, đồng ý lời cầu hôn nhanh lên!”, “Jane, sao cô nỡ làm ông chủ đau khổ như vậy?” . Trong khi đó, tôi khá là tụt mood với Jane Eyre của Zelah Clarke vì cô trông khá già so với nhân vật mới 19 20 tuổi. Jane của Zelah còn hơi thụ động, chậm chạp, buồn, ít khi cười. Tôi chỉ đánh giá cao giọng nói lảnh lót như chim họa mi của cô, đúng là chỉ có giọng nói đó mới đủ sức ủ ấm trái tim chai sạn của ông Rochester.

Ngoài yếu tố diễn xuất, tôi không đánh giá thêm các yếu tố khác như dựng cảnh, âm nhạc, v.v vì phiên bản này cũ, đem ra so sánh với các phiên bản mới thì khá khập khiễng. Còn về kịch bản, thêm một điểm cộng lớn ở phim vì độ bám sát nguyên tác. Tình tiết Mr Rochester đóng vai bà lão gypsy hay như thế mà các phiên bản khác bỏ qua trắng trợn. Ở đây, Tim thể hiện quá xuất sắc, đoạn ông cười khanh khách cởi bỏ lớp hóa trang, tôi tua đi tua lại chục lần vì quá đã. Hầu như thoại của sách được đem lên phim đầy đủ, nói chung không thiếu sót một thứ gì.

Phiên bản 2006 tôi cũng yêu thích không kém cạnh gì 1983. Sản xuất năm 2006 nên trùng hợp thay, nó dung hòa và bổ khuyết được những gì mà 2 phiên bản 1983 và 2011 thiếu sót. Bối cảnh đẹp, màu sắc tươi sáng, trang phục đẹp, diễn viên hợp vai – Mr Rochester xấu hơn một chút, Jane Eyre trẻ trung lanh lợi hơn một chút.

Screen caps - Jane Eyre directed by Susanna White (TV Mini-Series, BBC, 2006) #charlottebronte

Toby Stephens thổi một hơi thở mới vào nhân vật Rochester vốn đã bị định hình trong lòng khán giả bởi Timothy Dalton. Người ta vẫn yêu Rochester của Tim, nhưng sẵn sàng đánh giá 10 điểm cho Rochester của Toby. Tôi cũng vậy, tôi thích cách diễn của Toby thậm chí còn hơn Tim. Mr Rochester qua ông trở nên gần gũi hơn một tí, hiền hơn một tí, đáng cảm thông hơn một tí. Ông không quá tiết kiệm những nụ cười dành cho Jane. Nếu như sự cao ngạo của Tim làm Jane bất an, ghen tị thì rõ ràng ở phiên bản này của Toby, Jane hoàn toàn có thể tự tin vào tình yêu với ông chủ quý tộc, vì ông đối đãi với Jane cực kỳ ấm áp.

Thêm một điểm cộng rất rất cao của phiên bản này, Jane Eyre của Ruth Wilson vô cùng dễ thương. Tôi không nghĩ Jane Eyre sôi nổi và chủ động như vậy khi đọc sách nhưng rõ ràng Jane của Ruth làm chúng ta hài lòng. Version 2006 khai thác tối đa các cảnh Jane suy nghĩ, độc thoại, cười một mình – lấy lại đất diễn cho nữ chính trong khi hầu như bị lu mờ ở các phiên bản khác. Cô Jane của Ruth tự tin và làm chủ cuộc chơi đến mức nhiều khi thấy thương cho ông Rochester thân trai 12 bến nước bị người yêu dày vò.

staying awake to chase a dream

Là một fan cuồng của chuyện tình đẹp đẽ này, tôi còn chấm điểm cao phiên bản 2006 này hơn hết vì ending scene ngập tràn hạnh phúc của nó.

"Jane Eyre" (2006)

Kết: trừ phiên bản movie 2011 thì còn lại các phim Jane Eyre đều không được làm Vietsub, thoại phim cũng rườm rà văn phong cổ. Nên nếu lỡ sa đà như tôi thì recommend bạn đọc sách thật kỹ để hiểu và nắm trước tình tiết, sau đó coi phim cũng chưa muộn. Yên tâm rằng Charlotte Bronte là một nhà kể chuyện đại tài, do đó sách viết cực cuốn chứ không hề khó đọc, bạn nhé!

10 thoughts on “Jane Eyre: Đâu là bản chuyển thể hoàn hảo nhất?

  1. Bạn nhận xét rất hay. Cuốn truyện Jane Eyre là cuốn truyện gối đầu giường của tôi. Tôi rất thích nhận xét của bạn.

    Liked by 1 person

  2. Mình cũng là Fan cuồng của phim và truyện này. Nhận xét và đánh giá của bạn rất hay, rất đúng với suy nghĩ và cảm nhận của mình. Thật tuyệt khi được chia sẻ như này.

    Liked by 1 person

  3. Nhận xét rất chuẩn, bản 1983 là bản mình thích nhất, còn bản 2011 quá thất vọng với cách diễn của nữ chính và tương tác giữa nam-nữdiễn viên chính cũng gượng gạo

    Like

Leave a comment